Tâm Lý Xã Hội Triết Học

Tâm Lý Xã Hội Triết Học

CHUNG TAY XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC AN TOÀN, HẠNH PHÚC CHO HỌC SINH

CHUNG TAY XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC AN TOÀN, HẠNH PHÚC CHO HỌC SINH

Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học.

Tầm quan trọng của công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường

Các nhân viên tư vấn tâm lý trong trường học là chị “Thanh Tâm” sẵn sàng lắng nghe mọi chia sẻ của các em học sinh về những vấn đề tâm sinh lý, cho dù đó là một vấn đề rất nhỏ như “Con cảm thấy buồn vì người bạn thân nghỉ chơi”, “Con cảm thấy lo lắng về kỳ thi sắp tới”, hay những khúc mắc vô cùng nan giải như “Con cảm thấy áp lực vì bố mẹ chưa hiểu mình”, “Con đang mất hết niềm vui trong cuộc sống và học tập”… Khi trẻ gặp khó khăn trong việc học, trong các mối quan hệ với gia đình hay với bạn bè, thầy cô thì nhân viên tư vấn tâm lý sẽ cùng trẻ phân tích xem nguyên nhân thực sự do đâu để từ đó tìm ra các hướng giải quyết phù hợp.

Ngoài ra, khi trẻ có bất cứ thắc mắc nào về giới tính và quá trình dậy thì, trẻ cũng có thể tìm gặp các nhân viên tư vấn tâm lý để được tư vấn và cung cấp thông tin.

Không chỉ tư vấn cho từng học sinh, nhân viên tâm lý còn có thể tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn… để chia sẻ tới nhiều em học sinh hơn. Và một điều vô cùng quan trọng, đó là tất cả các thông tin mà học sinh chia sẻ với nhân viên tư vấn tâm lý đều được bảo mật. Trừ trường hợp khẩn cấp liên quan đến tính mạng và sự an toàn, nhân viên tư vấn sẽ phải thông báo với các bên liên quan để đảm bảo trẻ được an toàn.

Còn nhân viên công tác xã hội trong trường học là người giúp học sinh thay đổi những hành vi tiêu cực như: không hoàn thành việc học tập, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật…; giúp các em phát huy những điểm mạnh của bản thân để thành công trong học tập, định hướng nghề nghiệp.

Ðồng thời, nhân viên công tác xã hội còn có vai trò hỗ trợ công tác phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những trẻ em yếu thế như: trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Mặt khác, thông qua tư vấn, các nhân viên công tác xã hội cung cấp các kiến thức và kỹ năng giúp các em học sinh tự giải quyết vấn đề, vượt qua những khó khăn, khủng hoảng về tâm lý. Nhân viên công tác xã hội cũng là người giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về quyền và bổn phận, trách nhiệm của mình đối với gia đình và cộng đồng, nắm được Luật Trẻ em và các quy định pháp luật khác.

Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội cũng là người hỗ trợ các em học sinh hòa nhập cộng đồng sau can thiệp.

Công tác xã hội trong trường học cũng giúp các bậc phụ huynh tham gia một cách tích cực hơn trong việc giáo dục con, cải thiện kỹ năng làm cha mẹ.

Mặc khác, công tác xã hội trong trường học cũng giúp các thầy cô giáo giảm áp lực công việc, kết nối giữa giáo viên với phụ huynh và học sinh hiệu quả hơn, nhất là với những học sinh cần sự giáo dục đặc biệt.

Có thể nói, công tác xã hội trong trường học có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của nhà trường thông qua quá trình tác động vào bốn đối tượng chính của trường học, đó là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giúp các em học sinh phát triển toàn diện trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và bình đẳng.

Cùng với hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học chăm sóc sức khỏe tinh thần và xây dựng môi trường giáo dục an toàn và hạnh phúc cho các em học sinh.

Truyền thông về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường đã thực sự hiệu quả?

Hiện nay, không ít phụ huynh, học sinh chưa được tiếp cận dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường hoặc nhà trường có nhưng lại không biết để được hỗ trợ kịp thời.

Khi gặp phải các vấn đề về tâm sinh lý, nhiều học sinh không biết phải hỏi ai, hỏi bố mẹ thì nhiều em lại thấy ngại, hỏi thầy cô thì không phải thầy cô nào cũng có chuyên môn về lĩnh vực này để có thể tư vấn một cách hợp tình, hợp lý. Chính vì thế, nhiều em đã lên mạng hỏi Google, trên Google có rất nhiều kiến thức có thể giúp trẻ tự tìm ra câu trả lời, nhưng trên Google cũng có nhiều thông tin nhiễu, thậm chí là sai lệch, nếu trẻ cứ áp theo Google một cách máy móc có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Google không phải là bác sĩ có thể trị bách bệnh. Trẻ ốm cần được cha mẹ đưa đi khám bác sĩ, trẻ gặp các vấn đề về tâm lý cần được chuyên gia tâm lý tư vấn kịp thời, và nếu trẻ thiếu các kiến thức và kỹ năng xã hội, trẻ cần được các nhân viên công tác xã hội hỗ trợ. Do đó, truyền thông về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường là điều hết sức cần thiết trong ngành giáo dục.

Ảnh tờ rơi truyền thông về công tác xã hội trong trường học.

Mới đây, Bộ GD&ÐT đã ban hành tờ rơi truyền thông về công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ GD&ÐT và Tổ chức Good Neighbors International (GNI) đã xây dựng tờ rơi truyền thông về công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học (tờ rơi) với mục đích truyền thông nâng cao nhận thức về công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Bộ GD&ÐT đã có văn bản gửi các Sở GD&ÐT Hà Nội, TP.HCM, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa về việc sử dụng tờ rơi truyền thông về công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho các cơ sở giáo dục.

Ðể đảm bảo sử dụng tờ rơi hiệu quả trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học, Bộ GD&ÐT đề nghị các Sở GD&ÐT lựa chọn 6 cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo đại diện vùng miền (2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 2 trường THPT), phát hành miễn phí tờ rơi bản PDF cùng 50 tờ rơi bản cứng mỗi loại cho 6 cơ sở giáo dục đã lựa chọn ở trên.

Hy vọng, sau 6 tỉnh thành nêu trên sẽ có nhiều tỉnh thành khác được truyền thông mạnh mẽ hơn về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường để các em học sinh có thêm những “người bạn” tin cậy để các em có thể phát triển toàn diện trong một trường học an toàn và hạnh phúc.